Nguyễn Thị Minh Anh là nữ sinh lớp 9 có lực học tốt, luôn đạt thành tích học tập xuất sắc. Tuy nhiên, điều ít ai biết là phía sau những bảng thành tích và giấy khen đó lại là một cô bé mang trong mình gánh nặng của sự hoàn hảo do chính em tự đặt ra.
“Em luôn cảm thấy mình phải hoàn hảo, phải đạt điểm cao nhất, không được phép sai sót. Mỗi lần không đạt được mục tiêu, em lại cảm thấy mình thất bại, vô dụng“, Minh Anh chia sẻ.
Cũng chính vì thế mà nữ sinh luôn nỗ lực hết mình để đạt được những thành tích tốt nhất, nhưng chính sự nỗ lực đó lại trở thành áp lực khủng khiếp.
Minh Anh luôn cảm thấy mình vô dụng, dù bố mẹ luôn khuyên bảo không cần quá áp lực trong học tập, chỉ cần sống vui vẻ.
“Chúng tôi chỉ mong con được vui vẻ, việc học hành mỗi người có một năng lực khác nhau, không thể môn nào cũng giỏi, lúc nào cũng đứng đầu“, bố nữ sinh nói.
Mỗi lần Minh Anh không đạt được mục tiêu đặt ra, cô bé lại chìm vào trạng thái buồn bã, tự trách mình. Nữ sinh lớp 9 rơi vào trầm cảm và tình trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong suốt năm lớp 9, Minh Anh đã 5 lần cố gắng tự tử. May mắn những lần đó, gia đình, bạn bè đã kịp thời ngăn cản và đưa vào viện.
Những hành động tự sát của Minh Anh không chỉ là tiếng kêu cứu mà còn là biểu hiện của sự đau đớn tinh thần mà em đang phải chịu đựng. Cô bé chia sẻ không biết phải làm sao để thoát khỏi cảm giác thất bại.
“Em nghĩ tự sát sẽ giúp em chấm dứt nỗi đau trong lòng“, cô gái tâm sự.
Ảnh minh họa
Minh Anh được điều trị tại Bệnh viện Ban Ngày Mai Hương dưới sự chăm sóc và theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa, cùng sự hỗ trợ động viên từ gia đình. Hiện sức khỏe, tinh thần của cô bé có nhiều chuyển biến tích cực, vui vẻ hơn.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) chia sẻ, trầm cảm là căn bệnh tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và thể chất của người bệnh. Những người mắc trầm cảm thường cảm thấy buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày và có thể có ý nghĩ tự sát.
Bác sĩ Thu nhấn mạnh, trầm cảm không phải là chuyện đơn giản và cần được quan tâm, chăm sóc kịp thời.
“Gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện và hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên đang gặp khó khăn về tâm lý. Cần lắng nghe và chia sẻ với các em, không nên bỏ qua những biểu hiện bất thường dù là nhỏ nhất”, bác sĩ Thu nói.
Theo bác sĩ Thu, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất quan trọng. Bà khuyến cáo nếu phụ huynh nhận thấy con em mình có dấu hiệu của trầm cảm, hãy đưa các em đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
Đồng thời, gia đình cần tạo môi trường sống tích cực, lắng nghe và chia sẻ với các em. Gia đình không nên đặt quá nhiều áp lực về thành tích học tập lên các em, mà hãy khuyến khích sự phát triển toàn diện về cả tâm lý và thể chất.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thu khuyến khích việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao để giúp các em giải tỏa căng thẳng, phát triển kỹ năng xã hội và xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè và người thân.
Theo Gia Đình Việt Nam
Facebook Comment