Chào chuyên gia.
Sau khi sinh bé thứ hai, trong đầu tôi thường xuất hiện âm thanh gây khó chịu và hình ảnh người thân bị ốm đau, tai nạn.
Tôi 28 tuổi, làm văn phòng, công việc không quá vất vả. Cách đây 5 năm, sau khi sinh bé đầu tiên được khoảng một năm, tôi bị trầm cảm, phải dùng thuốc. Sau đó một thời gian, cảm thấy đỡ hơn, tôi tự ý bỏ thuốc và không tái khám nữa. Từ đó tới nay, tôi cảm thấy ổn. Tất nhiên, cũng có lúc xuất hiện suy nghĩ tiêu cực nhưng tôi tự điều chỉnh được.
Sau khi sinh bé thứ hai được vài tháng, tinh thần tôi vẫn ổn, không có khúc mắc gì với chồng hoặc người thân. Chồng yêu thương, bố mẹ hai bên tôn trọng ý kiến của tôi trong mọi vấn đề, nhất là trong việc chăm sóc các bé. Tuy nhiên, từ khi tôi gửi bé về quê cai sữa, có một vấn đề xuất hiện khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi thường xuyên "nghe" (tưởng tượng trong đầu nhưng cảm giác rất rõ ràng) thấy tiếng của dao hoặc thìa cạo mạnh vào bát đĩa hoặc nồi. Tiếng đó khiến tôi ớn lạnh và khó chịu vô cùng, văng vẳng bên tai tôi mọi lúc mọi nơi. Mỗi khi về thăm con hoặc bận rộn, tập trung vào việc gì đó, tôi mới tạm quên đi âm thanh khó chịu ấy.
Ngoài ra, trong đầu tôi hay xuất hiện những hình ảnh người thân ốm đau, tai nạn. Tôi vô cùng sợ hãi những hình ảnh đó và sợ điều mình tưởng tượng sẽ biến thành sự thật. Tôi phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này? Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi.
Hằng
Chuyên gia tâm lý Minh Huệ:
Chào Hằng,
Trước tiên, chúc mừng bạn có gia đình hạnh phúc bên hai thiên thần đáng yêu, được chồng yêu thương, bố mẹ hai bên tôn trọng ý kiến. Đây là điều không phải ai cũng có được.
Theo chia sẻ, có thể bạn đã rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh. Những người từng mắc trầm cảm sau sinh ở bé thứ nhất rất dễ mắc phải tình trạng này ở bé tiếp theo, dù mọi vấn đề trong cuộc sống đều ổn, không có yếu tố gây stress. Trầm cảm sau sinh có nhiều nguyên nhân, thay đổi hormone trong cơ thể là một nguyên nhân quan trọng.
Có thể việc ngừng cho con bú khiến các yếu tố nguy cơ được kích hoạt, bởi cho con bú là cách giảm trầm cảm sau sinh hiệu quả. Để đánh giá cụ thể hơn về mức độ rối loạn của bạn và hiện tại thuộc loại nào, bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa về tâm thần. Bằng cách quan sát trực tiếp, hỏi chuyện và thực hiện những bài đánh giá nhanh, các chuyên gia sẽ đưa ra phác đồ phù hợp nhất với bạn.
Các liệu pháp kết hợp khi điều trị bệnh về tâm trí vẫn luôn mang lại kết quả tốt nhất. Nghĩa là bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bạn nên kết hợp các liệu pháp tâm lý, tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân như các hoạt động giải trí, tập thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Đặc biệt hãy chia sẻ cảm giác của bạn với người thân trong gia đình.
Chúc bạn mạnh khỏe
Facebook Comment